Thứ Mon, 14/05/2018 | Đăng bởi CÔNG TY TNHH DƯỢC MỸ PHẨM CHÂU ÂU
Tin văn hóa: Làm từ thiện: Cần có trách nhiệm!
Cũng trong buổi talk show “Kẹo ngọt cho ai”, vấn đề phượt từ thiện được nhiều người đặt ra. Tại nhiều điểm du lịch ở Hà Giang, chính quyền địa phương đã dán thông báo khuyến cáo “Khách du lịch không cho trẻ em địa phương tiền, bánh kẹo. Trẻ em sẽ bỏ học chữ để đi xin tiền, bánh kẹo”. Những hành vi cho tiền, bánh kẹo vô tình đã tác động chưa tốt đến văn hóa cũng như cuộc sống của người dân địa phương. Và vấn đề “du lịch từ thiện” đã được các khách mời bàn luận rôm rả.
Anh Lê Minh Hiếu - đại sứ cộng đồng CouchSurfing Hanoi và Việt Nam chia sẻ: “Mươi năm trước bạn bè tôi bảo phải lên Sa Pa, Hà Giang nhanh kẻo không kịp. Giờ ngẫm lại thấy đúng quá”. Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang nói thêm rằng: Sa Pa đã biến thành phố thị miền xuôi và mất đi hoàn toàn nét nguyên sơ của cả tự nhiên lẫn truyền thống văn hóa. Những đứa trẻ đi ăn xin, đeo bám chèo kéo khách du lịch ngày càng nhiều. Đó là một vết thương của nền văn hóa cộng đồng. Có điều này là do nhiều yếu tố, trong đó có việc phát triển du lịch ồ ạt.
Chị Tẩn Thị Su - doanh nhân xã hội người Mông ở Sa Pa, khách mời tại sự kiện - đã nghẹn ngào nhớ lại tuổi thơ của mình, với xuất phát là một người nhận kẹo. Chị từng rất tủi thân khi chứng kiến những ánh mắt hiếu kỳ, từ thiện với tâm lý ban phát dành cho mình. Chị Su cũng cho rằng, đi du lịch cần gắn với trách nhiệm và việc cho kẹo, cho tiền chính là hành động cổ vũ cho tư duy “ăn xổi”, lười nhác.
“Việc du lịch từ thiện bây giờ đã trở thành một trào lưu. Ở Sa Pa chúng tôi, hằng ngày những đoàn xe du lịch nườm nượp ra vào. Người đi du lịch mang theo ít bánh kẹo, quần áo, hay sách vở để tặng cho trẻ em và người dân ở những nơi mình đi qua, bên cạnh mục đích trải nghiệm, chinh phục những vùng đất mới. Có điều, một thực tế là, nhiều người đi mà không chú trọng và đề cao việc đi để học, để cảm nhận văn hóa người bản địa, nên họ không chú ý để giữ gìn nó. Thậm chí vì để có một tấm hình “check in” đẹp, họ sẵn sàng ngắt hoa, giẫm lên hoa, hay sa vào hành động “cho kẹo phản cảm”. Nhiều người hỏi tôi, tại sao người Mông ở Sa Pa nói tiếng Anh giỏi thế, tôi luôn nói rằng vì người Anh, hay người phương Tây không cho họ kẹo, mà luôn sẵn sàng nắm lấy bàn tay nhem nhuốc của người bản địa, ngồi nói chuyện với họ hàng giờ và dạy người bản địa nói vài câu tiếng Anh” - chị Tẩn Thị Su chia sẻ.
Theo chị Su và những người Mông có mặt tại sự kiện, thì “người dân tộc thiểu số cần chiếc cần câu hơn là một con cá. Vì thế hãy xây dựng cho người dân một mạng lưới việc làm ổn định, thay vì cho họ tiền và ném kẹo cho trẻ nhỏ”.